Hiện trên thế giới, có hàng chục hệ thống tham gia phục vụ nông dân và người tiêu dùng từ các nước phương tây như New Zealand, Mĩ đến các nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan và các nước Châu Mĩ La Tinh như Brazil và Peru. Ở tất cả các nước này, nông dân và người tiêu dùng đã xây dựng hệ thống PGS để sau đó nó phục vụ lại chính họ. Tất nhiên, hệ thống PGS ở các nước có sự khác nhau về phương pháp và quy trình vì chúng được điều chỉnh cho thích nghi với điều kiện thực tế của địa phương (cộng đồng, địa lý, chính trị và thị trường). Tuy nhiên, trong các hệ thống PGS khác nhau thì các nguyên tắc cơ bản đều khá nhất quán.
PGS cùng có mục tiêu chung với các cơ quan chứng nhận từ bên ngoài đó là cung cấp hệ thống đảm bảo đáng tin cậy cho người tiêu dùng đang tìm kiếm sản phẩm hữu cơ. Sự khác nhau chỉ là ở phương pháp: hệ thống PGS khuyển khích hoặc thậm chí có thể yêu cầu sự tham gia trực tiếp của người nông dân và người tiêu dùng vào quá trình cấp chứng nhận. Sự tham gia trực tiếp giúp các chương trình của PGS giảm bớt được các công việc giấy tờ và ghi chép hồ sơ mà điều này có ý nghĩa quan trọng giúp những nông dân sản xuất nhỏ trong hệ thống sản xuất hữu cơ có thể tham gia và giữ cho việc cấp chứng nhận có mức chi phí thấp.
Vào năm 2004, Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) chấp nhận PGS là một hệ thống đảm bảo có giá trị cho các sản phẩm hữu cơ đặc biệt là cho thị trường nội địa. IFOAM sau đó đã lập ra một ban chuyên trách để phát triển phương pháp PGS cụ thể hơn. Với sự hỗ trợ của các thành viên trong ban chuyên trách này, dự án ADDA- VNFU đã giới thiệu ý tưởng PGS tới các nhà sản xuất, thương lái, người tiêu dùng mà dự án đang cùng làm việc cũng như với một số nhà nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ tại địa phương. Các đối tác đã đồng thuận chấp nhận thực hiện hệ thống PGS làm hệ thống đảm bảo cho sản phẩm hữu cơ của họ vào tháng 10/2008.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn