Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các sản phẩm được chứng nhận hữu cơ theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế khác nhau như: chứng nhận hữu cơ Việt Nam (TCVN), chứng nhận hữu cơ PGS Việt Nam, chứng nhận hữu cơ Châu Âu (EU), chứng nhận hữu cơ Mỹ (USDA), Canada (COR), Nhật Bản (JAS), Naturland (Đức) … Tuy nhiên, ngay cả khi sản phẩm đã được in logo chứng nhận hữu cơ, có tem truy xuất nguồn gốc thì nhiều người tiêu dùng vẫn phân vân không biết làm cách nào để có thể kiểm tra tính chính xác và minh bạch thông tin của sản phẩm.
Vậy hãy cùng bỏ túi một vài cách mà anh chị có thể kiểm tra thông tin, đọc được những nhãn chứng nhận hữu cơ in trên bao bì sản phẩm và quan trọng nhất là trở thành người tiêu dùng thông thái – tìm được những sản phẩm chất lượng tốt phục vụ cho mình và người thân.
Theo quy định của nhà nước Viêt Nam cũng như của IFOAM: Sản phẩm hữu cơ là những sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ do người sản xuất lựa chọn, được đánh giá và được công nhận tuân thủ tiêu chuẩn bởi tổ chức chứng nhận và ghi nhãn sản phẩm theo quy định của Việt Nam hoặc Quốc Tế.
I. SẢN PHẨM ĐƯỢC CHỨNG NHẬN HỮU CƠ PGS:
Là những sản phẩm hữu cơ được sản xuất tuân thủ theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS, được PGS đánh giá và Ban điều phối PGS Việt Nam cấp giấy chứng nhận. Sản phẩm được cấp chứng nhận khi đó được sử dụng logo của PGS Việt Nam cùng tem xác thực có mã QR trên sản phẩm.
Logo PGS Viêt Nam đã đăng ký sở hữu trí tuệ của Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học công nghệ, tượng trưng cho toàn bộ mạng lưới PGS và có thể được tất cả các thành viên của PGS sử dụng. Để trở thành dấu xác nhận của PGS phân biệt các sản phẩm hữu cơ được sản xuất từ những đồng ruộng đã được cấp chứng nhận, một con tem xác thực có logo PGS phải gắn cùng một mã QR được chính nông dân sản xuất tự kích hoạt.
Tem xác thực của PGS bao gồm 2 phần chính: 1) logo của PGS Việt Nam; 2) mã QR bên cạnh để truy xuất nguồn gốc. Khi quét mã QR phải hiển thị được các thông tin nguồn gốc sản phẩm, bao gồm :
Các sản phẩm có in logo “PGS hữu cơ” trên bao bì nhưng không có tem QR của PGS Việt Nam, sẽ không được BĐP công nhận là sản phẩm hữu cơ, hoặc nếu quét mã QR của tem dán trên sản phẩm, nhưng không truy xuất được các thông tin (tem chưa kích hoạt), có nghĩa sản phẩm đó không nằm trong hệ thống giám sát của PGS.
II. CHỨNG NHẬN HỮU CƠ VIỆT NAM (TCVN):
Là các sản phẩm được sản xuất, chế biến, bao gói theo tiêu chuẩn TCVN11041:2017, đã được đánh giá công nhận phù hợp với các tiêu chuẩn bởi một tổ chức chứng nhận hợp pháp
Sản phẩm được cấp chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN11041 được phép ghi nhãn là sản phẩm hữu cơ cùng dấu chứng nhận trên sản phẩm. Dấu chứng nhận phải kèm theo ký hiệu và số đăng ký hoạt động của tổ chức đánh giá cùng với mã số giấy chứng nhận được ban hành.
Dấu chứng nhận hữu cơ theo quy định của nhà nước Việt Nam trong TCVN 12134:2017
XXXX: Số đăng ký hoạt động chứng nhận của tổ chức chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp.
YYYY: mã số giấy chứng nhận do tổ chức chứng nhận cấp cho khách hàng.
Có hai màu: trắng và xanh lá.
Khi sử dụng dấu chứng nhận phải đảm bảo kích thước tối thiểu sao cho có thể nhận diện được chính xác các chi tiết trên dấu bằng mắt thường và đảm bảo giữ nguyên tỉ lệ hình học của dấu.
Số đăng ký hoạt động chứng nhận của tổ chức chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp, anh chị có thể xem thêm tại đây.
Dấu chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam được ban hành bởi Vinacontrol – thành viên của VOAA với các thông tin theo quy định.
Hiện thị trường có rất nhiều sản phẩm được gọi là hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam, nhưng không có đầy đủ thông tin về đơn vị đánh giá và thông tin về giấy chứng nhận theo quy định. Để tránh mua phải hàng không đúng chất lượng, người tiêu dùng cần xem kỹ các thông tin trên dấu chứng nhận hữu cơ để lựa chọn, tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Số đăng ký hoạt động chứng nhận của tổ chức chức chứng nhận chưa đúng
Dấu chứng nhận không có phần chữ, không có số đăng ký hoạt động của tổ chức chứng nhận và mã số giấy chứng nhận.
Dấu chứng nhận không có số đăng ký hoạt động của tổ chức chứng nhận và mã số giấy chứng nhận.
Màu nền của dấu chứng nhận không đúng.
III. CHỨNG NHẬN HỮU CƠ THEO TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ
Sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn Quốc Tế phổ biến ở thị trường Việt Nam hiện nay là Mỹ (USDA), Châu Âu (EU) Canada (COR), Nhật (JAS)…. Các logo để nhận diện dấu chứng nhận như sau:
Logo hữu cơ Châu Âu (EU)
Logo hữu cơ Mỹ (USDA)
Logo hữu cơ Canada (COR)
Logo hữu cơ Nhật Bản (JAS)
Logo hữu cơ Úc (ACO)
Logo hữu cơ Naturland
Giống như các quy định của PGS và Việt Nam, logo chứng nhận hữu cơ chỉ được phép in lên bao bì sản phẩm khi hệ thống sản xuất được đánh giá và công nhận tuân thủ theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Tổ chức chứng nhận phải được chủ sở hữu tiêu chuẩn hữu cơ ủy quyền đánh giá, ví dụ được bộ nông nghiệp Mỹ ủy quyền đánh giá theo tiêu chuẩn USDA, được Bộ nông lâm thủy sản Nhật Bản ủy quyền đánh giá theo tiêu chuẩn JAS vv… Hiện có một vài tổ chức đánh giá ở Việt Nam công bố cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn Quốc Tế nhưng thực tế họ lại không được chủ sở hữu tiêu chuẩn đó ủy quyền. (Người tiêu dùng có thể tìm kiếm trên google vào trang của các cơ quan đang quản lý tiêu chuẩn sẽ tìm thấy danh sách các tổ chức chứng nhận được ủy quyền).
Nhãn chứng nhận được quy định nghiêm ngặt bởi cơ quan quản lý tiêu chuẩn, từ kích thước in trên bao bì sản phẩm, mã số của đơn vị cấp chứng nhận và số giấy chứng nhận phải được thể hiện trên nhãn chứng nhận. Logo nhận diện hợp chuẩn trong nhãn chứng nhận không được phép thay đổi tỉ lệ kích thước, không được chèn thêm các hình ảnh, nội dung và ký tự khác. Người sản xuất xin cấp chứng nhận đều phải được cơ quan cấp chứng nhận tập huấn về các quy định phải tuân thủ.
Hiện Việt Nam có nhiều sản phẩm hữu cơ tiêu chuẩn quốc tế được nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm chế biến. Các sản phẩm sản xuất trong nước đạt chuẩn quốc tế ngoài sản phẩm chế biến chủ lực như gạo, hạt tiêu, hạt điều …là các sản phẩm rau quả tươi. Các tiêu chuẩn Quốc Tế cũng như tiêu chuẩn của Việt Nam, tiêu chuẩn PGS, đều quy định giống nhau về ghi nhãn hữu cơ cho các sản phẩm chế biến.
Nhãn hữu cơ chỉ được sử dụng cho sản phẩm chế biến khi nó đạt ít nhất 95% thành phần hữu cơ. Thành phần hữu cơ dưới 95% không được phép ghi nhãn là sản phẩm hữu cơ cùng nhãn chứng nhận hữu cơ trên bao bì, mà chỉ được công bố tỉ lệ thành phần hữu cơ có trong sản phẩm.
Dấu chứng nhận hữu cơ Châu Âu có 3 phần như sau:
1- Logo hữu cơ Châu Âu: thường được sử dụng nhất là phiên bản màu xanh lá và màu trắng (màu sắc có thể thay đổi tùy theo phương thức in ấn)
2- Phần nội dung chữ bao gồm:
“AB – CDE – 999: (mã số chứng nhận)
Place of farming”
với AB: mã quốc gia nơi chứng nhận được cấp
CDE: ba chữ cái thiết lập mối liên kết với phương pháp sản xuất hữu cơ, ví dụ: oko, org, eko, bio
999: các chữ số tham chiếu được quy định tại điều 58. (nhiều nhất là 3 chữ số)
Place of farming: nơi nguyên liệu thô được sản xuất.
3 – Logo hữu cơ của tư nhân hoặc của quốc gia (tùy chọn có thể có hoặc không)
Lưu ý: Nội dung chữ có thể để ở cả 4 phía của logo hữu cơ Châu Âu (trái, phải, trên, dưới) nhưng vẫn phải đảm bảo khoảng cách cố định như hình trên. Anh chị có thể đọc thêm các thông tin quy định chi tiết tại đây.
Một số hình ảnh sản phẩm chế biến được chứng nhận hữu cơ và ghi nhãn đúng theo quy định:
Dấu chứng nhận có đủ logo và thông tin: nước sản xuất, phương thức canh tác, số tham chiếu và nơi sản xuất nguyên liệu thô.
Dấu chứng nhận có đủ logo và thông tin: nước sản xuất, phương thức canh tác, số tham chiếu và nơi sản xuất nguyên liệu thô.
Sản phẩm không có dấu chứng nhận đầy đủ theo quy định, thiếu thông tin nước sản xuất, phương thức canh tác, số tham chiếu và nơi sản xuất nguyên liệu thô.
Bài viết có nhiều phần, mời anh chị tiếp tục theo dõi các bài tiếp theo trên website của Hiệp hội.
Hồng Ngọc – cán bộ truyền thông HHNNHC VN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn