Trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ với mục đích cung cấp thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn cho người dân địa phương và khách du lịch. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI đã đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2020 – 2025 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 23 tháng 12 năm 2020 quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 – 2026 và định hướng đến năm 2030 đang được xây dựng.
Tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành các chính sách huy động các nguồn lực để phát triển nông nghiệp hữu cơ như phân bổ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, huy động nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp…
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất hữu cơ trên một số cây trồng như lúa, đậu tương, dưa hấu, rau và chăn nuôi gà, lợn thông qua liên kết với tập đoàn Quế Lâm và dự án Thích ứng và chống chịu với BĐKH (VIE/433) do Luxembourg tài trợ. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, diện tích canh tác hữu cơ và theo hướng hữu cơ hiện nay trên toàn tỉnh có 500 ha; với 330 ha lúa và rau; chăn nuôi lợn hữu cơ: 3.000 con/năm và gia cầm hữu cơ: 1.000 con/năm và 21 nhà lưới với tổng diện tích hơn 52.700 m2. Tính đến nay, số lượng sản phẩm hữu cơ được cấp chứng nhận hữu cơ quá ít, chỉ có 2 sản phẩm được Công ty TNHH Công nghệ NHONHO (National Health Organization) cấp chứng nhận hữu cơ, đó là sản phẩm gạo hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm (20 ha) và gạo hữu cơ của HTX Nông nghiệp An Lỗ (21 ha). Nguyên nhân của việc diện tích sản xuất được chứng nhận hữu cơ ít là do chi phí chứng nhận của tư vấn độc lập của các công ty trong và ngoài nước rất cao (khoảng 10 triệu đồng/ha lúa/năm). Trong khi đó, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong tỉnh còn ít và nhỏ lẻ, sản xuất theo quy mô nông hộ, chưa phát triển trên quy mô rộng nên việc thuê tư vấn độc lập đánh giá, chứng nhận hữu cơ là không hiệu quả và không phù hợp.
Từ năm 2019 đến nay, Dự án thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Thừa Thiên Huế (VIE/433) do Chính phủ Luxembourg tài trợ đã hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đã thành lập 20 nhóm nông dân PGS và 3 liên nhóm PGS tại ba huyện Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc. Và Phương thức chứng nhận hữu cơ theo Hệ thống Đảm bảo Cùng tham gia PGS (Participatory Guarantee System) có chi phí thấp, phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ lẻ của các hộ gia đình. Tuy vậy, Hệ thống chứng nhận hữu cơ PGS tại tỉnh vẫn đang trong quá trình xây dựng, cơ cấu tổ chức chưa hoàn thiện và chưa có một cơ quan, đơn vị phù hợp đứng ra thành lập Ban điều phối PGS Huế. Chính vì thế các sản phẩm hữu cơ do nông dân sản xuất chưa được thanh tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận theo phương thức chứng nhận có sự tham gia PGS.
Các sản phẩm không được cấp chứng nhận hữu cơ được nông dân bán với giá ngang với giá sản phẩm VietGAP. Trong khi đó, sản xuất theo quy trình hữu cơ có năng suất thấp hơn, chi phí sản xuất cao hơn nên giá thành sản phẩm hữu cơ cao hơn sản phẩm VietGAP. Đây là một thách thức trong việc duy trì và mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ của nông dân.
Toàn cảnh đại hội
Ban chấp hành Hội NNHC tỉnh Thừa Thiên Huế
Thành lập Hội Nông nghiệp hữu cơ – Bước tiến mới của nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế:
Được sự cho phép của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại Quyết định số 839/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 04 tháng 4 năm 2022 về việc Cho phép thành lập Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thừa Thiên Huế, với sự hỗ trợ của Dự án thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Thừa Thiên Huế (VIE/433) do Chính phủ Luxembourg tài trợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Đại hội thành lập Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 23 tháng 6 năm 2022.
Hội Nông nghiệp Hữu cơ tỉnh Thừa Thiên Huế (sau đây gọi tắt là Hội) là một tổ chức xã hội, nghề nghiệp của các cá nhân, tổ chức, Hợp tác xã, doanh nghiệp Việt Nam có tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ, xuất – nhập khẩu và sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các mặt hàng liên quan, tự nguyện thành lập nhằm phối hợp hoạt động để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của thành viên và phấn đấu cho mục đích phát triển bền vững ngành nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thừa Thiên Huế có 80 hội viên, Ban chấp hành Hội có 25 thành viên. Đại hội đã bầu Ông Nguyễn Long An – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ tịch Hội; Ông Nguyễn Quang Cường – PGĐ Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế và Ông Hồ Đăng Khoa – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản là Phó chủ tịch Hội.
Nhiệm vụ của Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thừa Thiên Huế:
Chủ tịch Hiệp hội NNHC VN tặng hoa chúc mừng đại hội
Lãnh đạo Hiệp hội NNHC VN trao chứng nhận Hội viên cho Hội NNHC tỉnh Thừa Thiên Huế
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng hoa chúc mừng Hội NNHC tỉnh
Theo kế hoạch, Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thành lập Ban điều phối PGS Huế và hoàn thiện cơ cấu tổ chức hệ thống chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo quy trình chứng nhận có sự tham gia PGS.
Hội sẽ là đơn vị đầu mối huy động các nguồn lực để phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh. Ban điều phối PGS Huế, một đơn vị trực thuộc Hội Nông nghiệp hữu cơ, sẽ giám sát, thanh tra, đánh giá và cấp chứng nhận hữu cơ cho các nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ nay, sản phẩm hữu cơ của các nhà sản xuất, đặc biệt sản phẩm của các hộ nông dân có quy mô sản xuất nhỏ lẻ sẽ được chứng nhận hữu cơ PGS với chi phí thấp. Sản phẩm được chứng nhận hữu cơ PGS sẽ được người tiêu dùng tin tưởng, giá trị sản phẩm được nâng cao, người tiêu dùng sẵn sàng mua với giá cao, mang lại lợi nhuận cho người sản xuất để người sản xuất tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất hữu cơ trong thời gian tới. Vì vậy, việc thành lập Hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thừa Thiên Huế và thành lập Ban Điều phối PGS Huế là một hoạt động quan trọng, đóng vai trò then chốt trong phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh, là một bước tiến mới của nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phạm Hữu Lộc – Cố vấn Kỹ thuật về Thích ứng BĐKH Dự án VIE/433 – Cơ quan Hợp tác Phát triển Luxembourg
Nguồn: VOAA
Tác giả: Ad.VNO
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn