PGS CÓ PHẢI LÀ CHỨNG NHẬN “TỰ PHONG”

Chủ nhật - 02/02/2020 11:37
Để được công nhận là một hệ thống chứng nhận, CB phải được tổ chức cùng các bộ phận chức năng chuyên môn, có các chuyên gia và đánh giá viên được đào tạo về các tiêu chuẩn tham chiếu, biết vận dụng phương pháp, kỹ năng đánh giá và am hiểu về đối tượng sản xuất cần đánh giá. Một hệ thống văn bản, mẫu biểu, quy trình đánh giá cùng các thủ tục, các quy định và hệ thống dữ liệu được xây dựng. PGS Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một tổ chức chứng nhận nêu trên.
Hoi nghi PGS toan quoc
Hoi nghi PGS toan quoc

PGS là một hệ thống chứng nhận có sự tham gia

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, chính sách thúc đẩy sản xuất thông qua hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nông dân và các doanh nghiệp có năng lực đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Một trong nhiều thách thức lớn của sản xuất là làm thế nào quản lý và bảo đảm nguyên vẹn chất lượng dọc theo chuỗi sản phẩm. Qua nhiều khâu và công đoạn trong chuỗi, sản phẩm có tính rủi ro cao vì khó đảm bảo rằng chất lượng qua các khâu đều được tuân thủ quy định, vì thế hoạt động đánh giá và công nhận sự phù hợp quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn mà người sản xuất tư nguyện lựa chọn được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau. Đánh giá độc lập hay còn gọi là chứng nhận của bên thứ 3 thường được áp dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Quá trình đánh giá do một tổ chức chứng nhận (CB) độc lập từ bên ngoài hệ thống sản xuất thực hiện. Để được công nhận là một hệ thống chứng nhận, CB phải được tổ chức cùng các bộ phận chức năng chuyên môn, có các chuyên gia và đánh giá viên được đào tạo về các tiêu chuẩn tham chiếu, biết vận dụng phương pháp, kỹ năng đánh giá và am hiểu về đối tượng sản xuất cần đánh giá. Một hệ thống văn bản, mẫu biểu, quy trình đánh giá cùng các thủ tục, các quy định và hệ thống dữ liệu được xây dựng. PGS Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một tổ chức chứng nhận nêu trên.

 

Về tổ chức, PGS Việt Nam là một hệ thống gồm 3 phần tử hợp thành: (1) Nhóm nông dân bao gồm các cá nhân nông dân tự nguyên tham gia; (2) Liên nhóm nơi kết nối các nhóm nông dân tại địa phương thành mạng lưới cùng sự tham gia của các bên liên quan; (3) Ban điều phối nơi có sự tham gia của người sản xuất, tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà khoa học, trí thức vv…Mỗi phần tử có chức năng, quyền hạn và quy chế hoạt động riêng, có tác động và chi phối lẫn nhau để hỗ trợ nông dân sản xuất, giám sát đảm bảo chất lượng hữu cơ

 

PGS có quy trình đánh giá và các thủ tục không khác với cách hệ thống chứng nhận của bên thứ 3 vận hành. Điểm khác biệt lớn của PGS đó là thay vì đánh giá viên độc lập từ bên ngoài thực hiện, trong PGS chính nông dân sản xuất hữu cơ được đào tạo nghiệp vụ thanh tra sẽ thực hiện công việc này. Quá trình thanh tra được điều phối và giám sát bởi bộ phận Liên nhóm trong hệ thống PGS cùng sự tham gia giám sát của các bên liên quan như doanh nghiệp, người tiêu dùng, chính quyền địa phương, các NGO. Vì thế, PGS còn được gọi là một hệ thống chứng nhận có sự tham gia

 

PGS có nguyên tắc và giá trị được xác định rõ ràng, được tài liệu hóa và được thể hiện thông qua các tiêu chuẩn, sổ tay vận hành, các cuộc họp tập thể và sự cam kết của nông dân. Những nguyên tắc và giá trị này có thể được hình thành dựa vào nguyên tắc công bằng xã hội, công bằng thương mại, hướng tới bảo vệ môi trường và phù hợp văn hóa của từng địa phương. 

 

Các Tính năng của PGS

  

Những điểm nổi bật của PGS có thể tóm tắt sau đây:

1)  PGS là hệ thống kiểm soát chất lượng có sự tham gia trực tiếp của các bên liên quan, đặc biệt là người sản xuất và người tiêu dùng, có tiêu chuẩn riêng xây dựng dựa trên tiêu chuẩn cơ bản của IFOAM và tiêu chuẩn 10 TCN10 602 - 2006, được đánh giá và công nhận trong gia đình tiêu chuẩn của IFOAM từ 2013

2)  PGS là lựa chọn khác thay thế cho chứng nhận bên thứ 3 phù hợp với thị trường nội địa, nơi tất cả các bên liên quan có thể tham gia vào quá trình kiểm soát chất lượng.

3) PGS chứng nhận cho nhóm nông dân và ưu tiên các trang trại cá nhân nằm trong mạng lưới mà PGS có thể kiểm soát được

4)  PGS có thể áp dụng được với chi phí phù hợp cho nông dân sản xuất quy mô nhỏ khó có khả năng tiếp cận chứng nhận của bên thứ ba

5) PGS đáng tin cậy với người tiêu dùng khi họ được trực tiếp tham gia và làm chủ quá trình kiểm soát đảm bảo chất lượng.

Chứng nhận bên thứ ba được cho là có độ tin cậy cao, đảm bảo tính khách quan giữa người sản xuất và đơn vị kiểm tra. Tuy nhiên, để có được chứng nhận của bên thứ ba, yêu cầu người sản xuất phải bỏ ra một khoản chi phí lớn trang trải cho các hoạt động đánh giá được thực hiện bởi thanh tra độc lập cử tới. Đây là rào cản lớn nhất đối với nông dân sản xuất quy mô nhỏ, chưa nói tới khả năng tin dùng của thị trường đối với những sản phẩm nếu được cấp chứng nhận bởi một bên thứ 3 thiếu uy tín về năng lực chuyên môn và có cơ chế quản lý lỏng lẻo. 

 

PGS có phải là hệ thống chứng nhận “TỰ PHONG”

Trước hết phải hiểu “Tự phong” có nghĩa là người sản xuất tự cho sản phẩm của mình là hữu cơ hoặc họ tự cấp một giấy chứng nhận cho chính mình tuyên bố sản phẩm là hữu cơ. Trong PGS nông dân không được quyền tự tuyên bố sản phẩm của tôi là hữu cơ, và giấy chứng nhận PGS họ cũng không được quyền tự ký. Vì thế, PGS không phải là hệ thống chứng nhận tự phong. Trao quyền, chịu trách nhiệm, và giám sát việc thực hiện giữa các các bộ phận được vận dụng cao trong PGS. Vai trò của Liên nhóm trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ sản xuất, giám sát và đánh giá sự tuân thủ của các nhóm nông dân trực thuộc là vô cùng quan trọng, liên quan uy tín và sự sống còn của PGS trong suốt hơn 11 năm qua.

 

Quy trình thanh tra và ra quyết định chứng nhận trong PGS Việt Nam

 

Sơ đồ trên có thể mô tả như sau:

1. Bộ phận QUẢN LÝ CHỨNG NHẬN (QLCN)của Liên nhóm là nơi điều phối trực tiếp các hoạt động thanh tra định kỳ 6 tháng và giám sát hàng ngày các nhóm sản xuất trực thuộc. Bộ phận này chịu trách nhiệm rà soát báo cáo thanh tra và đề xuất với trưởng liên nhóm ra quyết định chứng nhận phù hợp 

2. Nông dân là thanh tra viên thực hiện nhiệm vụ giám sát nhau trong nhóm sản xuất và đánh giá chéo theo sự phân công của QLCN, phải hoàn thành báo cáo sau khi hoàn tất thanh tra, nhưng không có quyền ra quyết định cấp chứng nhận.

3. Quyết định cấp chứng nhận được ban hành bởi Liên nhóm sau khi rà soát báo cáo thanh tra sẽ được gửi về BĐP kèm theo bản phô tô báo cáo thanh tra và các hình ảnh thực địa để BĐP cân nhắc ban hành chứng nhận theo quyết định của Liên nhóm.

4. Trường hợp BĐP phát hiện quyết định của Liên nhóm không đáng tin cậy, có sự bao che hoặc gian lận, thông báo từ chối ban hành chứng nhận và một quyết định kỷ luật của BĐP sẽ được gửi tới Liên nhóm. Nếu Liên nhóm thường xuyên sai phạm, không nghiêm minh, có hành vi bao che, BĐP có quyền khai trừ toàn bộ liên nhóm khỏi hệ thống PGS.

5. Trong PGS, Nhóm sản xuất có quyền trừng phạt thành viên nông dân. Liên nhóm có quyền phạt nhóm sản xuất, và BĐP có quyền phạt Liên nhóm nếu không tuân thủ tiêu chuẩn và quy chế hoạt động của PGS

 

Sự khác biệt giữa PGS và chứng nhận của bên thứ ba (ICS)

Hệ thống PGS khác với hệ thống chứng nhận của bên thứ 3 (ICS) ở chỗ PGS nhấn mạnh đến sự tham gia và tính bình đẳng trong tổ chức của PGS, hỗ trợ, khuyến khích nông dân sửa chữa sai sót để hoàn thiện hơn. Tiến trình bắt đầu từ lương tâm của mỗi người sản xuất và dần lương tâm này phát triển thành niềm tin. Niềm tin tiếp tục được củng cố thông qua sự tham gia của các bên liên quan trong toàn bộ tiến trình vận hành của PGS. Trong khi tiến trình của hệ thống ICS mang tính máy móc hơn. Hệ thống này hướng tới thị trường xuất khẩu, hoặc thị trường xa và cam kết của người sản xuất trong hệ thống này thường được điều chỉnh và định hướng từ tác nhân bên ngoài thông qua các doanh nghiệp hoặc các nhà xuất khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường. So với hệ thống ICS, PGS tập trung cung cấp thực phẩm cho thị trường gần, thị trường trong nước, trong đó người sản xuất và người tiêu dùng được kết nối trực tiếp, trong khi sự kết nối này trong ICS trở thành vô hình

 

Tiến trình chứng nhận hữu cơ PGS và Việt Gap

 

Bên cạnh đó hệ thống ICS và PGS có một số điểm tương đồng thể hiện ở chỗ cả hai hệ thống đều có công cụ chứng nhận tập thể, có tiêu chuẩn/quy chuẩn, cơ chế thẩm tra mức độ tuân thủ, quy trình quản lý được tài liệu hóa, cam kết của nông dân và dấu nhận diện. Ngoài ra có sự khác biệt giữa hai hệ thống ICS và PGS là không có nguyên tắc chung ràng buộc tất cả hệ thống PGS phải tuân theo và các bên liên quan chính tham gia vào thiết kế và vận hành hệ thống PGS được kiểm soát từ bên trong nhóm, chứ không phải từ bên ngoài như với trường hợp chứng nhận của bên thứ ba

 

Ngoài ra, điều tạo ra sự tin cậy quan trọng trong PGS đó là công tác giám sát luôn được coi trọng số 1. Sự nể nang bao che lẫn nhau luôn hiện hữu đặc biệt trong cộng đồng làng xã luôn là những thắc mắc của người tiêu dùng. Nâng cao tính chịu trách nhiệm của người nông dân trong hoạt động sản xuất, để họ biết và dám chịu trách nhiệm về hành vi sản xuất của mình, các bên liên quan khác trong PGS, từ BĐP, tới doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia phối hợp để hỗ trợ nông dân, giám sát sản xuất kể cả sau khi được cấp chứng nhận,đảm bảo sản phẩm hữu cơ sản xuất trong PGS Việt Nam thực sự đáng tin cậy.

 

Cơ chế hỗ trợ nông dân

Không thể bỏ qua một yếu tố nhân văn trong PGS đó là cơ chế hỗ trợ nông dân bằng nhiều hình thức khác nhau.

Hỗ trợ về mặt thị trường – Hệ thống PGS có thể một mình hoặc với sự hỗ trợ của một tổ chức phi chính phủ hoặc các doanh nghiệp có thể thúc đẩy khả năng tiếp cận thị trường thông qua các hoạt động như tổ chức chợ nông dân, quảng bá hình ảnh nhãn mác đến người tiêu dùng và những đối tượng thu mua khác

Cung cấp thông tin và hỗ trợ kỹ thuật – người sản xuất có thể được hỗ trợ bằng thông tin đầu vào của tư vấn kỹ thuật, các bản tin, chuyến thăm thực địa và website. Khả năng người sản xuất có tận dụng những lợi thế này hay không lại phụ thuộc vào trình độ văn hóa và cơ hội tiếp cận với phương tiện truyền thông đại chúng của họ. Với nông dân sản xuất không có khả năng tiếp cận internet, việc PGS duy trì các cuộc họp thường kỳ ở các bộ phận là cách mà nông dân được hỗ trợ kỹ thuật, được giao lưu, kết nối chia sẻ kinh nghiệm với nhau để được cung cấp các thông tin tư vấn quan trọng về kỹ thuật và thị trường, thay vì làm việc và giải quyết khó khăn một cách đơn độc. Chính vì thế, PGS mang tính xã hội rất cao, điều khó có thể tồn tại trong các hệ thống chứng nhận độc lập của bên thứ ba

 

Được viết bởi: Từ Thị Tuyết Nhung - Trưởng Ban điều phối PGS Việt Nam

Tác giả: Ad.VNO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Th?nh vi?n v? ?i t?c
Bác Tôm
Tâm Đạt Hữu Cơ
Rau Hữu cơ Thanh Xuân
CODAS
Rau Tràng An
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây