Những gương mặt háo hức tươi vui của 320 nông dân hữu cơ đến từ Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, cùng sự có mặt của đại diện các PGS từ Hội An, Tuyên Quang và Tân Lạc, các chuỗi của hàng thực phẩm sạch và những người tiêu dùng đã và đang tin yêu gắn bó với sản phẩm PGS, sự hiện diện của lãnh đạo Hiệp Hội nông nghiệp hữu cơ, lãnh đạo các Huyện, địa phương đang nỗ lực hỗ trợ, và sự tự nguyện tìm đến tham gia của các cá nhân đơn vị có quan tâm, tất cả đã tạo nên một không khí hân hoan mà nồng ấm. Những lời ca tiếng hát rộn ràng, những câu chuyện vui thể hiện qua tiểu phẩm được diễn đạt bởi chính nông dân, những bó hoa thắm tươi được gửi đến chúc mừng đã thực sự hâm nóng toàn bộ bầu không khí hội trường. Tình yêu thương giữa người với người đã xua tan đi cái giá lạnh thấu xương của đợt gió mùa đông bắc, mới thấy, mùa đông sẽ trở nên ấm áp hơn nếu chúng ta biết truyền cho nhau hơi ấm giữa cuộc đời này. Mười năm một chặng đường, những ký ức, kỷ niệm, những bài học vượt qua khó khăn thử thách từ những năm tháng ban đầu đã được gợi nhớ lại đầy tự hào trong một ngày đông cuối năm 2018.
Bà Từ Thị Tuyết Nhung – Trưởng Ban Điều Phối
thay mặt PGS Việt Nam nhận hoa và những lời chúc mừng trong lễ kỷ niệm
PGS biểu tượng của trách nhiệm với cộng đồng và lòng đam mê
Có thể nói PGS ra đời bởi sự đam mê, sự quyết tâm đồng lòng của toàn thể nông dân xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội. Trong bối cảnh người tiêu dùng đang phải đối mặt với thị trường thực phẩm mất an toàn do lạm dụng hóa chất trong sản xuất, PGS đã được “du nhập” vào Việt Nam bởi các chuyên gia của ADDA, đánh dấu một khởi đầu thách thức mà đầy tính nhân văn khi thông qua PGS, sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nông dân được xác lập rõ ràng. Khác biệt trong PGS đó là sự tham gia tự nguyện của người sản xuất, người tiêu dùng, các nhà bán lẻ, các tổ chức, cá nhân có quan tâm vào PGS để cùng nhau giám sát sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tới tận bàn ăn của người tiêu dùng, gìn giữ nguyên vẹn giá trị cốt lõi xuyên suốt PGS đó là sự minh bạch, cởi mở, tôn trọng, hợp tác dân chủ và công bằng.
Trên thế giới hiện có 241 PGS được hình ở 66 nước gắn với cơ sở khoa học của nông nghiệp hữu cơ bảo vệ thiên nhiên, kế thừa phương pháp truyền thống sản xuất cổ truyền, hướng thiện tâm của con người với hệ sinh thái và văn hóa ứng xử có trách nhiệm của con người với con người. Ngày 7/4/2008 Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ của ADDA thực hiện bởi Hội Nông dân Việt Nam đã họp lần đầu tiên tại Hà Nội bàn việc thành lập PGS ở Việt Nam, tìm hiểu về khả năng ứng dụng của PGS quốc tế, xác định hướng đi giúp nông dân sản xuất hữu cơ quy mô nhỏ. Với sự tư vấn và hỗ trợ của IFOAM, từ những bài học kinh nghiệm của các PGS tiên phong trên thế giới, Hội Nông dân và ADDA đã cho ra đời PGS Việt Nam với quyết tâm vì một nền nông nghiệp an lành.
au 3 năm hình thành PGS, tháng 9 năm 2012, Dự án ADDA kết thúc sau 7 năm thực hiện được đánh giá là một dự án không thành công. Hàng loạt các nhóm nông dân được thành lập rồi tan rã đặc biệt ở các tỉnh miền núi do không có thị trường tiêu thụ. Những nhóm nông dân hữu cơ còn sót lại ở Sóc Sơn, Lương Sơn nơi có một thị trường tiêu dùng tiềm năng thì ngơ ngác, luyến tiếc bao công sức xây dựng nhóm và mô hình, tiếc sản phẩm mình làm thật rồi sẽ bị đánh đồng với “hàng chợ”. Một PGS non trẻ vừa mới được định hình về tổ chức sau 3 năm thành lập, niềm tin người tiêu dùng vừa mới làm quen với các sản phẩm hữu cơ của PGS đang lung lay và có nguy cơ sụp đổ. Ts Hà Phúc Mịch, nguyên Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân, hiện là Chủ tịch Hiệp Hội nông nghiệp hữu cơ chia sẻ: “ Ban điều phối PGS (BĐP) đã có một giai đoạn ban đầu rất khó khăn, cả về chỗ đứng, vị thế pháp nhân, là đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nguồn kinh phí dường như không có gì. Để duy trì, phát triển hệ thống PGS với hai bàn tay trắng là một quá trình liên tục tự học hỏi, tự rút kinh nghiệm, trong điều kiện Việt Nam chưa có bất cứ một văn bản quy định, chưa có tiền lệ, không có tài liệu hướng dẫn làm hữu cơnhưng khó hơn cả là xác định phương thức hoạt động... chính sự tự chủ, tự chiụ trách nhiệm cũng đưa lại cho PGS sự chủ động sáng tạo...” Có được thành công của PGS hôm nay, bên cạnh bà con nông dân không chỉ là các chuyên gia tâm huyết mà còn là những cá nhân tình nguyện, sự thấu hiểu khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ, giải pháp tích cực của chính quyền địa phương để bảo đảm quyền lợi cho người nông dân, cho cộng đồng, và thành quả lớn nhất đó là người tiêu dùng đã tin tưởng và chấp nhận nông dân PGS. Để có bước tiến hôm nay, phải nhắc đến sự hỗ trợ đắc lực của Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD) - một tổ chức phi chính phủ địa phương đã đón nhận PGS, khi dự án kết thúc, hỗ trợ cả về con người và tài chính để PGS tiếp tục vận hành giúp nông dân đưasản phẩm chất lượng ra thị trường. |
Chứng nhận cấp lần III của IFOAM cho Tiêu chuẩn PGS Việt Nam |
Phát biểu của TS Hà Phúc Mịch - Chủ Tịch Hiệp Hội NN Hữu cơ Việt Nam
Những cố gắng và thành quả của nông dân PGS
Sau 10 năm thành lập PGS và 6 năm kể từ khi dự án kết thúc, từ 22 nhóm nông dânsơ khai của 190 hộ sản xuất trên 17 ha ở2 Liên Nhóm Thanh Xuân – Sóc Sơn và Lương Sơn -Hòa Bình,những con chim đầu đàn của hệ thống PGS Việt Nam đãcùng Ban điều phối và các bên liên quan cố gắng tìm mọi cách vượt khóđể tiếp tục sản xuất, duy trì hệ thống PGS. PGS đã không vội vã mà thận trọng cân nhắc khi nhân rộng sang các tỉnh, huyện khác. Mười năm qua, dù có nhiều nhóm nông dân mới thành lập và tự nguyện tham gia, cũng không ít nhóm đã phải đóng cửa sau một thời gian hoạt động. Đến tháng 11 năm 2018, đã có 53 nhóm nông dân tham gia PGS vớí tổng số 320 thành viên nông dân trên diện tích 35 ha (giảm 6 ha so với 2017). Bằng sự nghiêm minh, PGS đang dần lấy lại sự tin tưởng của người tiêu dùng. Từ 60 cửa hàng năm 2017, đến cuối năm 2018, các sản phẩm hữu cơ PGS đang được các doanh nghiệp thành viên phục vụ người tiêu dùng khó tính tại 107 cửa hàng bán lẻ trong chuỗi thực phẩm sạch Hà Nội. Thu nhập của nông dân PGS tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí có nơi tăng gấp 4 lần so với hộ sản xuất thông thường.
Vườn rau hữu cơ Thanh Thủy – Liên nhóm hữu cơ Trác Văn – Hà Nam
PGS đề cao tính công khai, dân chủ
Trong PGS, sự tham gia vào tiến trình thanh tra giám sát trên tinh thần minh bạch, hợp tác dân chủ và đề cao sự công bằng. Nhắc nhở nghiêm túc chấp hành kỷ luật và tuân thủ tiêu chuẩn sản xuất luôn được chú trọng trong PGS. Vì thế, nhìn một cách tổng quan, PGS phát triển thận trọng và chậm chạp, thậm chí có thời điểm số nhóm sản xuất bị giảm khi chỉ một nông dân không tuân thủ đã bị PGS từ chối cấp chứng nhận hoặc bị khai trừ khi lặp lại nhiều lần các sai phạm.Trong năm 2018, Thanh Xuân đã từ chối cấp chứng nhận và xử phạt 5 nhóm khi không tuân thủ các tiêu chuẩn PGS. Liên nhóm Lương Sơn mặc dù thành lập và mở rộng thêm 11 nhóm vào năm 2017 nhưng đã đóng cửa 5 nhóm vào năm 2018.
PGS Hội nhập Quốc Tế và thích ứng với chính sách mới
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của PGS kể từ khi thành lập đã khẳng định vị thế trên diễn đàn Nông nghiệp hữu cơ Quốc Tế. Trở thành thành viên của IFOAM ngay sau khi thành lập vào năm 2009 và bộ tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam được IFOAM công nhận vào 2013, chỉ sau một năm kết thúc dự án như một cú hích, một dấu mốc quan trọng, tạo thêm động lực cho PGS tiếp tục duy trì và phát triển khi không còn nhận được sự hỗ trợ từ dự án. Sự tự chủ, tự lực, tính minh bạch, dân chủ đã giúp PGS tiếp tục duy trì và phát triển đến hôm nay. Triển vọng hợp tác được mở ra khi những thành công của PGS Việt Nam được đánh giá cao trên diễn đàn quốc tế đòi hỏi PGS cần trưởng thành để hội nhập, thích ứng điều kiện mới. Tham gia các hội thảo, diễn đàn, trong và ngoài nước được tổ chức bởi FAO, AliSea, ADB… để chia sẻ bài học kinh nghiệm phát triển PGS trong khu vực và thế giới, Đưa sản phẩm của nông dân PGS giới thiệu và trình diễn tại các hội chợ nước ngoài. Đưa nông dân PGS tham gia đại hội của IFOAM và hưởng ứng phong trào Slow Food trên thế giới mở rộng tầm nhìn hội nhập. Với nền tảng và vị thế của PGS trên diễn đàn nông nghiệp hữu cơ Quốc Tế, PGS tự tin lan tỏa trong thị trường nội địa cùng sự ủng hộ tin tưởng của người tiêu dùng. Trung tâm phát triển nguồn lực giám sát có sự tham gia cộng đồng (CDPM) đã ra đời như một nhu cầu để đảm bảo tính pháp nhân và cơ sở pháp lý cho PGS. Sự thừa nhận của Nhà nước, của Chính phủ khuyến khích nông dân tham gia PGS được ghi rõ trong điều 17 của Nghị định 109/ngày 29-8-2018/NĐ-CP đã mở ra hướng đi mới cho PGS Việt Nam trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp hữu cơ của nước nhà. Đổi mới quản lý, mở rộng đối tượng tham gia PGS, ứng dụng công nghệ phù hợp, truy xuất nguồn gốc đảm bảo sự minh bạch... sẽ là những thách thức và cơ hội mới đối với sự phát triển PGS Việt Nam.
PGS Việt Nam tham gia hội nghị INOFO trước thềm đại hội 19 IFOAM tại Ấn Độ
Mắt xích quan trọng để sản phẩm PGS đến với bàn ăn
Ngay từ ban đầu các sản phẩm PGS đã giúp người tiêu dùng biết đến sản phẩm hữu cơ và thị trường Hà Nội quen dần với cụm từ “Hữu cơ/Organic”. Một nhân tố không thể thiếu trong PGS giúp nông dân trụ vững với canh tác hữu cơ thuận tự nhiên trong điều kiện biến đổi khí hậu trên toàn cầu, đó chính là các doanh nghiệp, người mang sản phẩm hữu cơ của nông dân ra thị trường tiêu thụ. Có những doanh nghiệp đã phải đóng cửa bỏ cuộc khi kinh doanh sản phẩm hữu cơ không đủ trang trai nổi các chi phí. Hầu hết tất cả các doanh nghiệp đã phải mở rộng ngành hàng để trang trải những thất thoát cho kinh doanh rau hữu cơ. Người đi, người ở lại, nhưng trên hết thảy, đó là những tấm lòng của các thương nhân, những quan điểm phát triển vì xã hội, vì đời sống nông dân nông thôn, đã cam kết đồng hành hỗ trợ tiếp sức cho nông dân hữu cơ trụ lại cùng PGS hôm nay. Luôn là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi sản phẩm, là nguồn động lực để nông dân tiếp tục sản xuất, họ cũng là những giám sát viên nghiêm khắc giúp nông dân và hệ thống PGS có những cải tiến để làm việc hiệu quả, minh bạch hơn, khẳng định rõ hơn giá trị của sản phẩm hữu cơ qua nhãn nhận diện, khả năng truy xuất và tính dám chịu trách nhiệm về những sản phẩm mà nông dân PGS làm ra.
Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp Hội NN Hữu cơ cùng ông David Gould chuyên gia phát triển chuỗi của IFOAM thăm cửa hàng bán rau hữu cơ PGS
Những định hướng của PGS trong tương lai
10 năm, một khoảng thời gian tuy chưa dài để viết lên lịch sử, nhưng đã có ý nghĩa thật lớn lao để đánh dấu mốc son trưởng thành của một PGS, đồng thời là một điểm nhấn đậm nét để chứng minh khả năng tự chủ, về tình đồng chí, đồng nghiệp của những con người đã và đang gắn bó với nông nghiệp hữu cơ. Trong không khí tràn đầy tình cảm ấm áp, với bao hoài niệm in dấu trong lòng mỗi người, sự họp mặt đông đủ của các thành viên PGS về tham gia đại hội và dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập PGS mang một ý nghĩa hết sức thiêng liêng và tràn đầy niềm xúc động
Một Ban Điều phối mới gồm 11 thành viên đã được đại hội PGS bầu ra cho nhiệm kỳ 2018 – 2020 vào buổi chiều cùng ngày. Thử thách phía trước còn nhiều đòi hỏi PGS Việt Nam cần củng cố lại hệ thống, điều chỉnh quy chế hoạt động, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm minh, kết nối khăng khit giữa nông dân với công ty và người tiêu dùng để khuyến khích hơn nữa sự tham gia vào hệ thống PGS. Chú trọng đào tạo nâng cao năng lực cho các cán bộ điều hành, các kỹ năng, kỹ thuật sản xuất, sơ chế, đóng gói cho nông dân đáp ứng đòi hỏi về chất lượng ngày càng cao của thị trường. Tiếp tuc cải tiến áp dụng công nghệ số trong quản lý minh bạch là nhu cầu cần thiết để khẳng định giá trị hữu cơ trong môi trường cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Ban Điều Phối PGS mới nhiệm kỳ 2018 – 2020
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, càng tự hào bao nhiêu, chúng ta càng phải có trách nhiệm bấy nhiêu đối với sự nghiệp nông nghiệp hữu cơ mà chúng ta đang cùng Hiệp Hội Nông nghiệp hữu cơ chung tay xây dựng để cải thiện sinh kế, cải thiện môi trường sống, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Chúng ta vẫn còn nhiều điều phải trăn trở, phải tìm hướng đi thích hợp bởi những kết quả đạt được so với mục tiêu, yêu cầu và tiềm năng vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng thực sự những mong muốn mà chúng ta kỳ vọng. Đặc biệt trong điều kiện khí hậu toàn cầu biến đổi hiện nay đã, đang và sẽ gây sức ép hàng ngày cho những nông dân đang áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ thuận tự nhiên; Vì vậy, chúng ta phải đồng tâm, hiệp lực, tăng cường sự đoàn kết, trong hệ thống PGS thực hiện cho được mục tiêu “Chất lượng – Công bằng và Minh bạch|” luôn là tôn chỉ để định hướng các hoạt động của PGS trong mọi hoàn cảnh.
Ban Điều Phối PGS Việt Nam – Tháng 12/2018
Tác giả: Ad.VNO
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn