Nhìn chung ở cả 3 khu vực sản xuất của 3 liên nhóm, cùng với sự ủng hộ và hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự chỉ đạo sát sao của Huyện, cả 3 vùng sản xuất Trác Văn – Hà Nam, Thanh Xuân – Sóc Sơn và Lương Sơn – Hòa Bình đang mở rộng diện tịch sản xuất, kết nạp và thành lập thêm các nhóm nông dân. Xã Thanh Xuân đã đưa vào kế hoạch quy vùng và mở rộng 30 ha sản xuất hữu cơ, trước mắt từ giờ đến cuối năm, mở rộng 10 ha sản xuất và thành lập thêm 6 nhóm nông dân để chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Lương Sơn sẽ mở rộng 13 ha và Trác Văn đã mở thêm 2 ha sản xuất đang trong giai đoạn chuyển đổi. Song song với mở rộng diện tích sản xuất, kết nạp thêm các thành viên tham gia PGS, các liên nhóm với nguồn lực hỗ trợ từ huyện, xã sẽ mở các lớp đào tạo về kỹ thuật canh tác hữu cơ, đào tạo về giám sát thanh tra cùng các lớp tập huấn kỹ năng mềm để giúp nông dân không chỉ có kiến thức sản xuất mà còn trang bị những kỹ năng làm việc theo nhóm.
Bà Phạm Kim Ngọc, thành viên BĐP phụ trách giám sát thị trường đã báo cáo tóm tắt các hoạt động giám sát và có những đề xuất cải tiến giúp cho công tác giám sát tại hơn 50 điểm bán tại Hà Nội có hiệu quả hơn. Tất cả các thành viên trong BĐP đều đồng thuận cho phép tổ giám sát kiểm tra sổ sách của các cửa hàng để đối chiếu đầu vào và đầu ra của các sản phẩm hữu cơ PGS trong ngày, khi cần thiết
Bà Từ Tuyết Nhung trưởng Ban Điều Phối PGS cũng điểm lại các vấn đề vi phạm và xử lý vi phạm cũng như giải quyết các khiếu nại của khách hàng từ các liên nhóm trong thời gian qua. Bà Nhung đã nêu một số tình huống cụ thể, cùng các thành viên từ các đơn vị kinh doạnh, phân tích, rút kinh nghiệm trong cách xử lý tình huống với định hướng giải đáp những thắc mắc một cách cầu thị và minh bạch. Một số vi phạm từ cách ghi nhãn của các nhóm sản xuất và các công ty kinh doanh cũng được nêu ra để các đơn vị có những điều chỉnh cần thiết và tuân thủ nghiêm túc các quy định của PGS. Ngoài ra, một số các hoạt động sản xuất thử nghiệm theo quy trình hữu cơ tại Thanh Xuân cũng được bà Nhung nhắc nhở, yêu cầu không được lạm dụng từ ‘Hữu cơ” và có cách giải thích rõ ràng trong cách gọi tên khi tiêu thụ loại sản phẩm này, tránh làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn đó là sản phẩm hữu cơ PGS.
Một tin vui với PGS tại 2 vùng Tân Lạc và Lương Sơn – Hòa Bình, đó là sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động trong khuôn khổ dự án “Củng cố khung sản xuất và thị trường cho các sản phẩm hữu cơ Việt Nam” ADDA-VOAA. Cũng trong cuộc họp, các thành viên đã được nghe thông báo sản lượng bán ra 6 tháng đầu năm từ 3 liên nhóm trong đó Thanh Xuân đạt sản lượng cao nhất là 201,3 tấn, Lương Sơn: 76,5 tấn và Trác Văn là 29,5 tấn. Tuy nhiên, con số cuối cùng sẽ được chốt lại khi có số liệu bổ xung từ các công ty kinh doanh.
Bà Nhung cũng sơ bộ trình bày kế hoạch đang triển khai của PGS Viêt Nam trong khuôn khổ dự án ADDA-VOAA, sẽ nâng cấp hệ thống quản trị dữ liệu và xác thực nguồn gốc sản phẩm để làm minh bạch hóa toàn bộ các hoạt động sản xuất và tiêu thụ của các thành viên PGS, hướng tới một điểm đến cho người tiêu dùng có thể tìm kiếm những sản phẩm thực sự tin cậy một cách dễ dàng.
Nguồn: Ban Điều Phối PGS Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn