Nông nghiệp Hữu cơ Việt Namhttps://nuke.vietnamorganic.vn/uploads/pgs-viet-nam-dong-hanh-cung-nong-nghiep-huu-co-viet-nam-4.gif
Thứ năm - 03/11/2022 01:41
Đối với PGS Việt Nam, hành trình sang năm thứ 15 không quá dài, không quá ngắn nhưng đó là một chặng đường "đủ" để thấy nỗ lực, sự "trăn trở" của những người đồng hành. Chúng tôi viết nhiều, nói nhiều, nhưng chưa có một lần nói về người "thuyền trưởng" của chúng tôi. Hòa chung vào không khí của Lễ Kỷ niệm và Tôn vinh điển hình tiên tiến phát triển nông nghiệp hữu cơ năm 2022 của Hiệp hội NNHC Việt Nam, chúng tôi xin được viết về PGS qua chia sẻ của bà Từ Thị Tuyết Nhung - Trưởng Ban điều phối PGS Việt Nam, người đã đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.
1. Thời điểm hiện tại, trên bản đồ hình chữ S Việt Nam đã hình thành được bao nhiêu hệ thống PGS địa phương? Các PGS địa phương tập trung ở vùng miền nào?
Kể từ khi thành lập PGS đầu tiên vào tháng 12/2008, cùng sự ra đời các chính sách hỗ trợ NNHC của nhà nước kể từ 2017, đã kích thích sự xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hữu cơ nói chung và vận dụng phương pháp tiếp cận PGS nói riêng. Dù chưa được chính thức công nhận tại Việt Nam, PGS đang lan tỏa bởi giá trị của nó dần được xác định rõ thông qua các mô hình đang được vận dụng PGS từ các cấp cơ sở. PGS được các tổ chức phi chính phủ Quốc tế và địa phương, vận dụng như công cụ quản lý trong chương trình phát triển cộng đồng, tạo sinh kế cho nông dân trong dự án của họ. Tính đến nay đã có 17 PGS ở 13 tỉnh thành trong đó 12 trong số PGS tập trung ở khu vực miền Bắc. Tuy là một tín hiệu vui nhưng cũng đặt Hiệp Hội NNHC Việt Nam trước thách thức mới nếu các PGS ra đời chỉ là một cái tên, sớm muộn sẽ hủy hoại uy tín của PGS.
2. Việc thống nhất mạng lưới PGS địa phương thành PGS Quốc gia sẽ mang lại ý nghĩa gì?
Các bước đi tiếp theo của PGS nói riêng và nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam nói chung đang dần được định hình một cách rõ ràng hơn. Trong một viễn cảnh đầy triển vọng, Hiệp Hội hữu cơ đã thành lập Trung tâm nông nghiệp hữu cơ có sự tham gia cộng đồng, (COAC) ở đó PGS với tư cách hợp pháp của Trung tâm sẽ hoạt động như một bộ phận chức năng, vận hành giám sát và cấp chứng nhận đáp ứng những mong đợi không chỉ cho mỗi nông dân mà cả những trang trại tư nhân sản xuất hữu cơ quy mô nhỏ. 17 PGS ra đời ở 13 tỉnh thành và đang có thêm các PGS được hình thành cần được liên kết lại thành một liên minh để hướng dẫn, hỗ trợ, và thúc đẩy, đảm bảo hoạt động đúng nguyên tắc và giá trị cốt lõi của PGS. Dự án “Nâng cao năng lực cho nông dân qua thống nhất các PGS hữu cơ tại Việt Nam - ESUP” (2022-2024) đang cố gắng đưa ra giải pháp kết nối các PGS đạt chuẩn trong một liên minh PGS Việt Nam để thực hiện mục tiêu hỗ trợ các PGS hoạt động hiệu quả và minh bạch, mở rộng thị trường ra các địa phương khác, tạo động lực cho nông dân mở rộng sản xuất. ESUP với kết quả mong muốn không chỉ tạo sinh kế và thu nhập ổn định cho nông dân sản xuất nhỏ, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện sức khỏe cho cộng đồng.
3. Để đảm bảo một PGS Quốc gia được phát triển và duy trì bền vững, chúng ta cần phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong liên minh các PGS ra sao?
Trong một tổ chức, để vận hành và quản lý tốt, cần xây dựng những quy định, quy chế để định hướng cách ứng xử và giải quyết vấn đề nảy sinh trong tổ chức. Các quy định sẽ cho biết các công việc phải làm, không được làm hoặc hướng dẫn thực hiện quy định chung đã được thống nhất của tổ chức và cao hơn là luật pháp quốc gia. Quy định trong PGS được xây dựng có sự tham gia của 5 PGS tiên phong và các bên liên quan bao hàm các nội dung mang tính bao trùm hoặc những hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho công tác điều hành của một PGS hoặc của một mạng lưới liên minh các PGS. Hiện Liên Minh PGS Viêt Nam đã xây dựng quy chế hoạt động được thảo luận có sự tham gia của các PGS qua 3 kỳ họp. Bản quy định hoạt động của Liên minh đưa ra các nguyên tắc chung, cơ cấu tổ chức, phân công nhân sự cùng các quy định cụ thể khác để các thành viên trong liên minh cùng thực hiện trên nguyên tắc dân chủ, bình đẳng cùng phát triển.
Các PGS tham gia họp hàng quý và trao đổi hoạt động
4. Tiêu chuẩn hữu cơ PGS của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ VN được IFOAM công nhận năm 2013, gồm 5 chương với 137 tiêu chuẩn giúp nông dân sản xuất quy mô nhỏ và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Xin bà có thể nói rõ hơn?
Bộ tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam được IFOAM công nhận vào năm 2013 là bộ tiêu chuẩn được phát triển trong dự án “Phát triển khung sản xuất và thị trường cho sản phẩm hữu cơ ở Miền Bắc Việt Nam” (2005-2012), do Trung ương Hội Nông dân và tổ chức ADDA thực hiện. Bộ tiêu chuẩn được viết để hướng dẫn nông dân trong dự án áp dụng sản xuất và là công cụ để PGS làm căn cứ đánh giá. Tiêu chuẩn được chia 5 phần nội dung với 137 tiêu chuẩn dành cho trồng trọt, chăn nuôi, sau thu hoạch và chế biến, và những yêu cầu về công bằng xã hội cùng các chất và đầu vào được phép sử dụng trong PGS. Hiện nay Ban tiêu chuẩn thuộc Hiệp Hội NNHC Việt Nam đang cập nhật và bổ sung thêm các tiêu chuẩn cho trồng nấm, rau mầm và nuôi ong, nâng cấp tiêu chuẩn PGS thành tiêu chuẩn cơ sở của VOAA và sẽ sớm trình IFOAM phê chuẩn. Nông dân muốn được PGS cấp chứng nhận, ngoài các thủ tục đăng ký trở thành thành viên PGS và hoàn tất các thủ tục giấy tờ khác theo quy định, nông dân ngay sau khi được công nhận bắt đầu chuyển đổi, phải thực hiện và tuân thủ theo tiêu chuẩn PGS cho đến khi được đánh giá và công nhận tuân thủ tiêu chuẩn, khi đó, PGS sẽ cấp tài khoản mã QR của PGS cho nhóm nông dân được cấp chứng nhận, sản phẩm sẽ được dán tem QR để truy xuất và ghi nhãn bán là sản phẩm hữu cơ PGS theo quy định.